Với xu thế học và chơi các loại nhạc cụ phương Tây đang ngày càng áp đảo, cùng với đó là sự mai một dần của các nhạc cụ Việt Nam, Mỹ Nhạc là một tổ chức triển lãm được ra đời dưới sự nhào nặn của ba bạn trẻ với mong muốn đem lại cái nhìn toàn diện và gần gũi hơn về nhạc cụ Việt Nam qua những tuần lễ triển lãm với những chủ đề, những hoạt động khác nhau nhằm tôn vinh và bảo tồn bản sắc âm nhạc Việt nói riêng và bản sắc văn hóa Việt nói chung.
Hãy cùng chúng tôi bước vào tuần lễ triễn lãm đầu tiên: “Nhạc cụ truyền thống Việt Nam - Ngược dòng quá khứ”, để lặn thật sâu vào cõi tinh hoa của nhạc cụ Việt Nam giàu đẹp trên các phương diện: Lịch Sử - Kết Cấu - Ứng Dụng – Hình Ảnh, từ đó kết tinh và bảo tồn nhạc cụ Việt Nam với bản dạng độc đáo, riêng biệt và được nhiều người biết đến.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Đàn bầu còn gọi là độc huyền cầm là loại đàn một dây của người Việt và dân tộc Kinh ở đảo Hải Nam - Trung Quốc, thanh âm phát ra nhờ sử dụng que hay miếng gảy vào dây. Dựa theo cấu tạo của hộp cộng hưởng, đàn bầu chia hai loại là đàn thân tre và đàn hộp gỗ.
Đàn bầu
Lịch sử
Giới nghiên cứu âm nhạc hiện nay chưa tìm ra thời điểm xuất hiện đàn bầu. Nhưng trong các văn bản ghi chép đầu tiên về đàn bầu vào năm 1770, các học giả ước tính tuổi của nó là hơn một nghìn năm.
Cấu tạo
Gồm 2 loại chính: Đàn hộp gỗ, đàn thân tre.
Ứng dụng
Đàn bầu có mặt phổ biến ở các dàn nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam. Trước đây đàn bầu giữ nhiệm vụ độc tấu hoặc đệm hát, tham gia những ban nhạc cổ truyền cùng với đàn nguyệt, đàn tam, nhị hay tỳ bà,... ngày nay một số cây được gắn thiết bị điện, tăng âm nên có thể độc tấu ngoài trời hoặc hòa tấu với dàn nhạc lớn, nhiều nhạc cụ.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Đàn tỳ bà là tên gọi một nhạc cụ dây gẩy của người phương Đông, qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa khác nhau tuỳ theo từng vùng hoặc từng quốc gia. Tỳ bà lần đầu tiên được nêu danh trong lịch sử Việt Nam, khi Lê Tắc ghi trong An Nam chí lược. Đàn tỳ bà của Việt Nam là dạng rất cổ xưa của đàn tỳ bà Trung Quốc.
Đàn tỳ bà
Lịch sử
Đàn tỳ bà có từ thời Trung Hoa cổ đại, theo một số ghi chép là khoảng hơn 2000 năm lịch sử. Tỳ bà đã du nhập sang nước Việt từ rất sớm. Suốt thời nhà Trần, tỳ bà chỉ góp mặt trong dàn Tiểu nhạc dùng trong dân gian. Sau đã thay đổi lớn khi nhà Nguyễn chấn chỉnh nhạc cung đình, tỳ bà có mặt trong dàn nhạc cung đình và trở thành một trong ban Ngũ tuyệt của ca nhạc thính phòng Huế (tiền thân của ca Huế).
Cấu tạo
Gồm 5 bộ phận chính: Cần đàn, thùng đàn, mặt đàn, ngựa đàn và dây đàn.
Ứng dụng
Mặc dù đàn tỳ bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam. Ở Việt Nam đàn tỳ bà có mặt trong các dàn nhạc: Nhã nhạc cung đình Huế, Lễ nhạc Phật giáo, Lễ nhạc Cao Đài, nhạc tài tử, phường bát âm, cải lương và dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Đàn tranh còn được gọi là đàn thập lục, là nhạc cụ truyền thống của người phương Đông, có xuất xứ từ Trung Quốc. Đàn thuộc họ dây, chi gảy. Vì có 16 dây nên đàn còn có tên gọi là đàn Thập lục. Nay đã được tân tiến thành 25 dây.
Đàn tranh
Lịch sử
Với một số trích dẫn từ những tư liệu và chứng cứ lịch sử, có thể thấy được đàn tranh xuất hiện ở Việt Nam đã khá lâu, và theo các nhà nghiên cứu thì nó có mặt trong dàn nhạc cung đình ít nhất từ TK XIII.
Cấu tạo
Gồm 6 bộ phận chính: Khung đàn hình thang, đầu đàn, mặt đàn, ngựa đàn, dây đàn và móng gẩy.
Ứng dụng
Đàn tranh là nhạc khí dùng để độc tấu, hòa tấu, đệm cho hát và được chơi trong nhiều thể loại âm nhạc như các dàn nhạc dân ca, tham gia trong các dàn nhạc Tài Tử, phường Bát Âm, dàn Nhã Nhạc và các dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Đàn nguyệt là nhạc cụ dây gẩy xuất xứ từ Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam, trong Nam còn gọi là đờn kìm. Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là "đàn nguyệt". Theo sách xưa, đàn nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây.
Đàn nguyệt
Lịch sử
Theo truyền thống, đàn nguyệt được phát minh ở Trung Quốc trong triều đại Tần thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 5. Tổ tiên của đàn nguyệt là đàn nguyễn. Đàn nguyệt có thể có lịch sử hơn 2.000 năm, hình thức sớm nhất có thể là tần tỳ bà , sau đó được phát triển thành ruanxian (được đặt tên theo Nguyễn Hàm), rút ngắn thành ruan.
Cấu tạo
Gồm 4 bộ phận chính: Bầu vang, cần đàn, đầu đàn và dây đàn.
Ứng dụng
Đàn nguyệt là cây đàn rất phổ biến dùng để độc tấu, hòa tấu với nhiều ngón chơi độc đáo như ngón nhấn, ngón vê, ngón luyến,… Trong ban nhạc "Ngũ tuyệt" của nhạc thính phòng cổ truyền thì đàn nguyệt đóng vai trò điều khiển. Đàn nguyệt cũng giữ vai trò tối trọng yếu trong nhạc chầu văn-một thể loại hát đặc sắc của đồng bào Bắc Bộ.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Đàn nhị là nhạc cụ thuộc bộ dây có cung vĩ, do đàn có 2 dây nên gọi là đàn nhị, có xuất xứ từ Ấn Độ và vùng Trung Á. Tuy phổ biến tên gọi "đàn nhị", nhiều dân tộc tại Việt Nam còn gọi đàn bằng tên khác nhau. Người Kinh gọi là líu hay nhị líu, người Mường gọi là "Cò ke", người miền Nam gọi là Đờn cò.
Đàn nhị
Lịch sử
Đàn nhị có xuất xứ từ Ấn Độ và vùng Trung Á, được du nhập vào Trung Quốc từ thế kỷ I đến thế kỷ III sau công nguyên từ người Hồ. Đàn xuất hiện ở Việt Nam khoảng thế kỷ X và có thể du nhập vào Việt Nam theo con đường của người Chăm và cũng có thể du nhập theo con đường Trung Hoa tùy theo từng thời gian địa điểm khác nhau.
Cấu tạo
Gồm 5 bộ phận chính: Bát nhị, dọc nhị, trục dây, dây nhị và cung vĩ.
Ứng dụng
Đàn nhị giữ vai trò chủ đạo trong Hát Xẩm, là thành viên trong nhạc phường bát âm, dàn nhã nhạc, ban nhạc chầu văn, tài tử và dàn nhạc tổng hợp. Ngày nay thỉnh thoảng nó xuất hiện cả trong dàn nhạc pop, rock hiện đại để tăng màu sắc trong cách phối âm.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Tam thập lục là nhạc khí dây, chi gõ của nhạc cụ các nước Châu Á . Đàn có 36 dây nên được gọi là Tam Thập Lục. Tuy nhiên ngày nay một số nghệ nhân đã cải tiến đàn này bằng cách mắc thêm nhiều dây nữa để đánh được nhiều âm hơn, kể cả những âm nửa cung.
Đàn tam thập lục
Lịch sử
Đàn Tam Thập Lục của Việt Nam có một chiều dài lịch sử bắt nguồn từ quốc gia Ba Tư có tên là Santũr được chế tác vào khoảng thể kỷ thứ XII. Đến khoảng thế kỷ XVIII nó du nhập vào Triều Tiên, Trung Hoa và Nhật. Đàn Tam Thập Lục du nhập vào Việt Nam khoảng thập niên 60 qua người Trung Hoa ở Chợ Lớn, Sài Gòn.
Cấu tạo
Gồm 6 bộ phận chính: Mặt đàn, hai hàng ngựa đàn, thành đàn, hàng trục dây, hàng móc dây và dây đàn.
Ứng dụng
Đàn Tam thập lục giữ vai trò quan trọng trong các dàn nhạc sân khấu chèo, cải lương. Đàn đệm cho hát, độc tấu, tham gia dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Đàn Tứ là một nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam. Đàn có tên Đàn Tứ vì có bốn dây (Tứ là Bốn). Tuy nhiên đàn còn nhiều tên gọi khác như Đàn Đoản (Đoản là Ngắn, bởi cần đàn ngắn hơn Đàn Nguyệt).
Đàn tứ
Lịch sử
Đàn tứ cũng có ở một số các nước khác ở Châu Á, đàn tứ được nhập vào Việt Nam và trở thành đàn Việt Nam. Đàn tứ thùng là cây đàn cải tiến mới xuất hiện khoảng 40 năm nay ở Việt Nam. Đàn được tạo dáng với thùng đàn hình thang như đàn đáy và gắn bốn dây nilon.
Cấu tạo
Gồm 5 bộ phận chính: Bầu vang, mặt đàn, cần đàn, đầu dàn và dây đàn
Ứng dụng
Tại Việt Nam, đàn tứ thường do người Kinh sử dụng, một số dân tộc thiểu số như Mường, Pu Péo cũng có nhạc cụ này nhưng cấu tạo đơn giản hơn. Đàn tứ thường xuyên xuất hiện trong một số ban nhạc cổ truyền như cải lương hoặc hát bội (bộ). Nhiệm vụ chính của đàn tứ là hòa tấu, tuy nhiên ở miền núi người ta thích dùng nó để độc tấu. Cách độc tấu của người miền núi rất khác so với phong cách của người Kinh.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Trống cái là nhạc cụ bộ gõ, chi gõ, không định âm, có kích thước lớn, xuất hiện ở khắp Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Dù ở đồng bằng hay miền núi người ta đều nhận ra sự có mặt của trống cái. Nó không chỉ đơn thuần là một nhạc cụ mà đã trở thành một dụng cụ thông tin trong trường học, quân đội, lễ hội... từ xưa đến nay.
Trống cái
Lịch sử
Vào thế kỷ 15 và 16 trống cái đã xuất hiện trong các dàn nhạc như Đường thượng chi nhạc và Nhã nhạc. Đến thế kỷ 18 người ta nhận thấy sự có mặt của nó trong dàn nhạc lễ và trong các ban nhạc sân khấu như tuồng, chèo để tạo không khí kịch tính.
Cấu tạo
Trống cái có hình trụ khum với hai mặt trống bịt da trâu, bò có đường kính từ 50, 60 cm trở lên. Tang trống bằng gỗ, thân trống có một quai xách để treo trống. Nếu không sử dụng quai này người ta có thể đặt trống trên giá gỗ hay kim loại.
Ứng dụng
Trống cái là nhạc cụ hòa tấu dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng, trong biểu diễn nghệ thuật và thông tin trong cộng đồng (báo động, điểm giờ, cổ động...). Nghi lễ đánh trống khai giảng năm học mới đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam ngày nay.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Trống cơm (Phạn Cổ) là nhạc cụ gõ, họ màng rung, chi vỗ của người Việt. Chữ Nho gọi là yêu cổ.
Trống cơm
Lịch sử
Từ thế kỷ 10, trống cơm đã xuất hiện ở Việt Nam (đời nhà Lý). Trước khi đánh trống người ta thường lấy cơm nếp xoa vào hai mặt trống để định âm, tục gọi là cho "ấm tiếng" hài hòa do đó trống này gọi là trống cơm.
Cấu tạo
Trống cơm có 2 mặt trống hình tròn bằng nhau, đường kính khoảng 15 – 17 cm. Mặt trống bịt da, đường viền buộc bằng sợi mây hay da (dây xạ) kéo từ đầu trống này sang đầu trống kia để chỉnh độ căng giữa 2 mặt trống. Tang trống bằng gỗ hình ống tròn dài khoảng 56 – 60 cm, hai đầu hơi khum lại, đường kính ở tang trống đoạn giữa lớn hơn đường kính mặt trống. Tang trống để mộc hoặc sơn đỏ.
Ứng dụng
Trống cơm là nhạc cụ quan trọng trong Nhạc lễ Nam Bộ và Tuồng. Còn trong Chèo thì trống cơm chỉ đóng vai trò đánh luồn vào đàn chứ không có bài bản riêng. Nhiều ban nhạc ngày nay cũng sử dụng trống cơm.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Trống đế hay trống chầu là nhạc cụ gõ, họ màng rung xuất hiện ở Việt Nam từ khá lâu đời. Trong nghệ thuật chèo người ta gọi nó là trống đế, còn trong ca trù nó là trống chầu. Đúng như tên gọi, Trống đế làm nhiệm vụ đế có nghĩa là lót, là chỗ dựa, làm điểm xuyết cho diễn viên khi biểu diễn và ca hát.
Trống đế
Lịch sử
Từ thế kỷ 10, trống dế đã xuất hiện ở Việt Nam (đời nhà Lý).
Cấu tạo
Trống đế có hai mặt trống hình tròn, đường kính bằng nhau khoảng 15 cm. Mặt trống thường là da nách trâu/da bò nạo mỏng (rất dai và bền) đủ sức chịu đựng độ cǎng mặt trống. Đường viền da bịt mặt trống trùm xuống thân trống khoảng 3 cm, được đóng bằng đinh tre. Tang trống cao khoảng 18 cm, bằng gỗ mít nguyên khúc gọi là tang liền, sơn phết bên ngoài. Hai dùi trống dài khoảng 25 cm, bằng gỗ cứng.
Ứng dụng
Trống Đế có ở Việt Nam từ lâu đời. Trống được coi là nhạc khí gõ cao âm quan trọng, không thể thiếu trong ca trù và sân khấu chèo truyền thống. Ngoài ra trống cũng được dùng trong một vài thể loại ca nhạc dân tộc khác như chầu vǎn nhưng không phổ biến bằng.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Phách là nhạc khí tự thân vang, xuất hiện trong nhiều thể loại ca, múa nhạc ở khắp các nước trên thế giới từ rất lâu đời. Nhiệm vụ của phách là giữ nhịp cho dàn nhạc, người hát hoặc múa. Nhịp của phách đơn giản trong cải lương, nhưng phức tạp và biến tấu trong những dàn nhạc sân khấu.
Phách
Lịch sử
Sở dĩ có đôi phách như vậy là từ xưa người ta dùng hai thanh tre hoặc gỗ đập chéo vào nhau thành tiếng chan chát có từ thời kỳ đồ đá khi chưa có phách như bây giờ.
Cấu tạo
Bộ phách ca trù gồm có bàn phách, tay ba và hai lá phách. Bàn phách là miếng tre dài khoảng 30 cm, bản rộng chừng khoảng 4 cm. Nó có 2 đầu mấu tre dùng làm chân cho mặt bàn phách cao lên. Hai lá phách là dùi gõ kép. Người ta cầm 2 lá phách chập vào nhau để gõ vào mặt bàn phách. Tay ba là dùi gõ làm bằng gỗ mít, dài như 2 lá phách, được người sử dụng cầm bằng tay trái.
Ứng dụng
Phách được dùng chủ yếu trong ca trù, hát xẩm, ca Huế. Ở trường học, nhất là các trường cấp 1 và cấp 2 ở Việt Nam, học sinh được giáo viên dạy gõ phách theo tiết tấu của một bài hát trong giờ học âm nhạc không những khiến sinh động mà còn giúp trẻ học nhanh nhớ lâu về nhạc lý căn bản.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Song lang, đôi lúc cũng viết thành Song lan hay song loan, là một loại nhạc cụ họ tự thân vang chi gõ đặc trưng của người Việt.
Song lan
Lịch sử
Được cho rằng xuất hiện lần đầu vào đầu thế kỉ XX. Người giữ song lang ngày xưa phải là thầy đờn (đờn kìm).
Cấu tạo
Là một loại mõ nhỏ bằng gỗ cứng hình tròn dẹt, song lang có hình dáng bé nhỏ nhất so với các nhạc cụ khác, một mảnh gỗ tròn chưa bằng miệng chén, đường kính 7 cm, cao 4 cm, được xẻ miệng sâu vào thân khoảng 1/3 để thoát âm. Có một cần gõ bằng sừng trâu uốn mỏng hoặc lá thép có độ đàn hồi cao, trên đầu cần có gắn miếng gỗ nhỏ để gõ xuống thân của nó, tạo ra âm thanh đều đặn "Cốp ! Cốp !"
Ứng dụng
Song lang được sử dụng để cầm nhịp trong nhạc tài tử Nam Bộ, trong dàn nhạc sân khấu Cải lương và trong Ca Huế. Song lang là một biểu trưng trong dàn nhạc tài tử và cải lương, nó có vai trò rất quan trọng trong việc giữ trường canh cho các nhạc cụ khác theo đó mà giữ tiết tấu nhịp điệu của mình trong hòa tấu.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Sáo là nhạc cụ thổi hơi có từ thời kỳ cổ đại, rất nhiều nước trên thế giới sử dụng sáo với nhiều hình dáng và cấu tạo có thể khác nhau.
Sáo hơi
Lịch sử
Năm 2008, một cây sáo có niên đại ít nhất 35.000 năm trước đã được phát hiện trong hang Hohle Fels gần Ulm, Đức. Tại Việt Nam vẫn chưa xác định được khoảng thời gian sáo du nhập vào nước ta. Tuy nhiên có khá nhiều truyền thuyết đề cấp đến vấn đề này.
Cấu tạo
Về cơ bản, sáo hơi có 1 lỗ thổi nằm cùng hàng với 6 lỗ bấm. Ngoài ra còn 1 lỗ dán màng (sáo Trung Quốc), lỗ âm cơ bản và những lỗ để buộc dây treo hay tua trang trí. Lỗ âm cơ bản là lỗ khoét cuối ống, quyết định âm trầm nhất khi ta bịt kín tất cả những lỗ bấm. Tuy nhiên, có những cây sáo không có lỗ âm cơ bản nếu chúng bị cắt cụt ngay chỗ đó. Để xác định tên gọi người ta căn cứ vào đầu lỗ của ống sáo và cho đó là lỗ âm cơ bản. Tuỳ vào từng loại sáo, lỗ âm này có thể có hoặc không.
Ứng dụng
Sáo hơi được sử dụng để độc tấu, hòa tấu, song tấu, đệm cho hát chèo, đệm ngâm thơ, ca Huế, cải lương… Nó cũng có thể vừa hòa tấu với những dàn nhạc mới.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Kèn loa là nhạc khí hơi, sử dụng dăm kép (còn gọi là Kèn già nam, Kèn loa, Kèn bóp, Kèn bát). Kèn Bầu là nhạc khí hơi dăm kép rất phổ biến trên toàn thế giới.
Kèn loa
Lịch sử
Lịch sử của kèn loa bắt nguồn từ triều đại Achaemenid (550-330 trước Công nguyên), nó gọi là kèn sorna của người Ba Tư. Sau đó Kèn sorna của Ba Tư được du nhập tới Ấn Độ với tên gọi shehnai Shehnai cũng được gọi là ô-boa Ấn Độ. Kèn sorna Ba Tư và shehnai Ấn Độ thông qua Con đường tơ lụa, đến với người dân Trung Quốc với tên gọi kèn toả nột, còn được gọi là hải địch có từ thời Tấn (265-420). Vào thời nhà Minh, nó được du nhập vào Việt Nam và được đặt tên là kèn loa.
Cấu tạo
Gồm 4 bộ phận chính: Thân kèn, loa kèn, dăm và vong kèn.
Ứng dụng
Kèn loa là nhạc cụ do nam giới sử dụng trong việc đón khách, đám cưới, đám ma, trong hội hè của các dân tộc thiểu số và là thành phần quan trọng nghệ thuật nhã nhạc cung đình Huế và chầu văn của người Kinh. Người ta thường diễn tấu nhạc cụ này với trống, chũm choẹ và chuông, đôi khi kết hợp với thanh la.
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Định nghĩa
Tiêu là một loại sáo trúc thổi dọc xuất xứ từ Trung Quốc. Nó cũng thông dụng ở Đông Á và được thế giới biết tới. Nó thường có dạng ống trụ tròn như sáo trúc thổi ngang, nhưng khi sử dụng lại để theo phương dọc và thổi dọc theo thân ống. Tiêu thường to và dài hơn sáo, do đó âm thanh của nó trầm và mộc mạc hơn.
Tiêu
Lịch sử
Tiêu đã có ở Việt Nam hàng nghìn năm nay, trên hình chạm ở bệ cột đá Chùa Phật Tích từ thế kỷ XI ta thấy hình người thổi Tiêu với các nghệ nhân khác cùng diễn tấu.
Cấu tạo
Ống tiêu có đường kính từ 17 mm đến 25 mm, dài từ 40 đến 50 cm. Tiêu gồm có 6 lỗ bấm, 5 lỗ khoét thẳng hàng với lỗ thổi, còn 1 lỗ nằm ở mặt sau cho ngón cái của tay trái sử dụng. Sở dĩ phải khoét 2 lỗ bấm ở phía sau vì ống tiêu dài, đường kính rộng, muốn đạt được các âm theo yêu cầu, các lỗ bấm phải khoét cách xa nhau, nếu 6 lỗ đều khoét trên một hàng thẳng, các ngón tay không đủ sức gang ra để bấm.
Ứng dụng
Tiêu tham gia trong dàn nhạc tài tử, ban nhạc tang lễ, phường bát âm, dàn nhạc sân khấu chèo, tuồng hoặc đơn thuần là độc tấu để giải trí hằng ngày. Ngày nay, Tiêu đã được đưa vào dàn nhạc dân tộc tổng hợp hòa tấu.
Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống Việt Nam: Ngược dòng quá khứ” đang diễn ra từ ngày 5/11/19-10/11/19
Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống Việt Nam: Ngược dòng quá khứ” đang diễn ra từ ngày 5/11/19-10/11/19
Thư viện ảnh
Lật tìm những bài báo, hình ảnh tư liệu do Mỹ Nhạc tổng hợp và sưu tâm về các khía cạnh khác nhau làm nên tinh hoa đặc sắc và dấu ấn văn hóa của nhạc cụ truyền thống Việt Nam xuyên suốt chiều dài của lịch sử.
Thư viện âm thanh
Khám phá những nhạc cụ lâu đời của Việt Nam vẫn còn được sử dụng sau hàng ngàn, hàng trăm năm qua thư viện âm thanh nơi chứa những thanh âm nghệ thuật lưu giữ ký ức đẹp đẽ của bao thế hệ người Việt Nam.
Thư viện ảnh
Lật tìm những bài báo, hình ảnh tư liệu do Mỹ Nhạc tổng hợp và sáng tác về các khía cạnh khác nhau làm nên tinh hoa đặc sắc và dấu ấn văn hóa của nhạc cụ truyền thống Việt Nam suốt chiều dài lịch sử.
XEM THÊMThư viện âm thanh
Khám phá những nhạc cụ lâu đời của Việt Nam vẫn còn được sử dụng sau hàng ngàn, hàng trăm năm qua thư viện âm thanh nơi chứa những thanh âm nghệ thuật lưu giữ ký ức đẹp đẽ của bao thế hệ người Việt Nam.
XEM THÊMNhà tài trợ Đồng
Nhà tài trợ Bạc
Nhà tài trợ Vàng
Nhà tài trợ Bạc
Nhà tài trợ Đồng